Bài bào chữa trong vụ án Cố ý gây thương tích của Luật sư Công ty Luật Tầm Nhìn Viets

BẢN LUẬN CỨ BÀO CHỮA PHÚC THẨM

(Bị cáo A – Cố ý gây thương tích)

Kính thưa:

 

      Hội đồng xét xử;

–      Thưa vị đại diện viện kiểm sát;

–      Thưa toàn thể quý vị có mặt tại phiên toà ngày hôm nay.

Tôi là Luật sư  Nguyễn Trọng Việt thuộc Đoàn LS TP Hà Nội là người bào chữa cho bị cáo A tại phiên tòa ngày hôm nay.

Bị cáo A bị truy tố, xét xử và bị tuyên phạm vào Tội “Cố ý gây thương tích”. Cấp sơ thẩm – Tòa án nhân dân thành phố B Áp dụng điểm c khoản 3 điều 134; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; điểm d khoản 1 điều 52; điều 17; điều 58, điều 38 BLHS Xử phạt A 05(năm) năm tù.

Sau đó bị cáo A có kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, đề nghị giám định lại thương tích.

Tại phiên tòa ngay hôm nay, tôi với tư cách của người bào chữa cho bị cáo xin đưa ra quan điểm như sau: Bản án sơ thẩm số 22/2018/HS-ST ngày 23/04/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thu thập và đánh giá chứng cứ không khách quan,  không đúng sự thật và không đúng pháp luật.

Điều đó được chứng minh bởi những phân tích dưới dây:

Thứ nhất, Việc không giám định lại thương tật, không làm rõ sự mâu thuẫn giữ bản kết luận giám định và Bản tóm tắt bệnh án của BV 103 mà vẫn căn cứ vào bản kết luật giám định số 188/PY-GĐTT ngày 05/10/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh B để kết tội bị cáo là vi phạm khoản 2 Điều 29 Luật giám định tư pháp; khoản 1 Điều 211 BLTTHS; điểm d, khoản 1 Điều 280 BLHS. Bởi vì Bản KLGĐ trên của TTPY tỉnh B đã có nhiều vi phạm như không nêu phương pháp giám định, kích thước vết thương không chính xác…. Tòa án cấp sơ thẩm giải thích và nhận định trong bản án tôi sẽ phân tích từng vi phạm cụ thể như sau.

  • Về việc lý do sai lệch kích thước vết thương Tòa án sơ thẩm giải thích: giữa bệnh án của BV 103 và bản kết luận giám định của TTPY rằng: vết thương phần mềm được giám định ngày 04/10/2017 ngay sau khi bị thương 1 ngày, còn Tóm tắt bệnh án là ngày 11/01/2018 lúc này vết thương đã lành.

Thưa HĐXX và quý vị!

Đây có lẽ là tình tiết quan trọng nhất thể hiện Tòa sơ thẩm quá chú trọng về quan điểm buộc tội hơn là gỡ tội, nhận định trên đây của Tòa án sơ thẩm thể hiện sai sót nghiêm trọng và cơ bản của mình trong việc đánh giá chứng cứ. Tôi cho rằng Tòa sơ thẩm nhận định như vậy là thiếu căn cứ, vô lý. Nó sai một cách nghiêm trọng cả về chuyên môn về ngữ pháp và logic. Ngay cả những người không có kiến thức pháp luật cũng có thể nhận ra được. Vì các lý do sau đây:

  1. Về mặt thời gian: Bị hại bị đánh ngày 03/10/2017, vào viện 103 ngày 03/10/2017 ra viện 103 ngày 05/10/2017 và nhập viện Y học cổ truyền bộ công an, đến ngày 17/10/2017 ra viện về nhà. Thì thời điểm 11/01/2018 Bệnh viện 103 không thể tiến hành khám cho bị hại như Tòa sơ thẩm nhận định được.(Căn cứ BB ghi lời khai hòi 14h ngày 03/12/2017; giấy ra viện của BV 103, Tóm tắt bệnh án viện 103).

Xin thưa với HĐXX thời điểm này người bị hại ra viện được hơn 3 tháng; Bị hại ra viện ngày 05/10/2017 với các vết thương đã được xử lý, cắt lọc vết thương, nẹp bột, vết mổ khô… như mục d,10 Bản tóm tắt bệnh án và Giấy ra viện (BL36).

  1. Tóm tắt bệnh án, tức là Bệnh viện tóm tắt lại bệnh án đã có sẵn. Ghi lại cung cấp lại thông tin trong bệnh án để cung cấp cho Cơ quan điều tra khi được yêu cầu. Ngày được yêu cầu và tóm tắt bệnh án là ngày 11/01/2018. Chứ không phải ngày lập Tóm tắt bệnh án là lại đến gặp bệnh nhân khám lại các vết thương để Tòa án giải thích là lúc này vết thương đã lành và cho rằng các con số của Bản tóm tắt bệnh án là không chính xác.
  2. Trong bản tóm tắt bản án BV cũng đã nói rất rõ là: Mục 10, điểm a) Quá trình bệnh lý và diễn biến lâm sàng:

Khám lâm sàng có nghĩa là: Khám lâm sàng là hoạt động thăm khám ban đầu theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện dấu hiệu bất thường thông qua quan sát, nghe, sờ, gõ… và chưa có can thiệp bằng xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh. Tức là lúc nhập viện Còn sớm hơn Các giám định viên đến Bệnh viện 103. Như cách giải thích của Tòa sơ thẩm thì vết thương ở đây phải lớn hơn mới có lý.

  1. Một căn cứ nữa là vết thương đã lành không ai dùng từ bờ mép gọn, vết thương liền thì không còn mép. Hơn nữa nếu tính đến 11/01/2018 mà vết thương vẫn giữ kích thước như Tóm tắt bệnh án như Tòa sơ thẩm nhận định thì chẳng khác nào vết thương vẫn y nguyên như mới bị chém, không lành, không khâu cho bệnh nhân (8×3; 8×5, 4×1). Như vậy ngoài vết thương ở Lưng thì nhỏ hơn một chút, còn hai vết thương ở Mông, tay cũng y nguyên sau 3 tháng như khi nhập viện, đây là điều vô lý.

Vì vậy một lần nữa tôi khẳng định lại những sai lệch về kích thước của vết thương giữa bệnh viện 103 và TTPY sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc định khung, định hình phạt với bị cáo. CQĐT đã không làm rõ được điều này, Và nhận định của Tòa cấp sơ thẩm là không có căn cứ, mẫu thuẫn, và không đúng sự thật khách quan.

  • Về vi phạm phương pháp giám định, không giám định từng vết thương: Trong thời gian nghị án kéo dài 7 ngày Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành thu thập chứng cứ lấy ý kiến của TTPY tỉnh B, điều này đã dẫn đến các vi phạm dưới đây.

Thứ hai, Tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. cụ thể là khoản 2 Điều 326 BLTTHS quy định về nghị án : 2. Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.

Khoản 2 Điều 326 quy định trong khi nghị án HĐXX chỉ được căn cứ vào những “chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa”. Trong phiên xét sử sơ thẩm luật sư có đưa ra sự vi phạm của Bản kết luận giám định là không nêu phương pháp giám định, không nêu tỷ lệ tổn hại % sức khỏa của từng vết thương như thể nào, con số 32% được tính như thế nào? Là vi phạm Luật giám định tư pháp và Thông tư 20/2014 của Bộ y tế. Tại phiên tòa đại diện viện kiểm sát không giải thích, không chứng minh được những sai phạm này. Đồng thời tòa án, kiểm sát viên cũng không thu thập được tài liệu chứng cứ liên quan đến vấn đề này tại phiên tòa, phiên tòa cũng không có mặt Giám định viên, Nhưng trong thời gian nghị án kéo dài 7 ngày thì Tòa sơ thẩm tuyên án trong đó có ý kiến của giám định viên rằng việc giám định là đúng quy định, tỷ lệ tổn hại sức khỏe cho các vết thương là 8%, 5%, 13%, 3%, 8%, tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 32% và Tòa sơ thẩm chấp nhận cách giải thích này, chấp nhận chứng cứ chưa được tranh luận và thẩm tra tại phiên tòa này.

Như vậy HĐXX thu thập chứng cứ trong khi nghị án, đánh giá chứng cứ khi nghị án không được thẩm tra tại phiên tòa, VKS, Luật sư và các bị cáo không biết và có cơ hội để đánh giá chứng cứ này. Và nghiêm trọng hơn là HĐXX căn cứ vào chứng cứ được thu thập không hợp pháp đó để buộc tội các bị cáo là trái quy định tại Điều 326 BLTTHS, không đảm bảo tính khách quan, hợp pháp của chứng cứ.

Thứ ba, Tôi thấy HĐXX đã thu thập chứng cứ chứng minh, lý giải cho KLGĐ như vậy là không khách quan, công bằng, không áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo. Hội đồng XX chỉ thu thập chứng cứ buộc tội mà không thu thập hoặc yêu cầu thu thập chứng cứ gỡ tội, giảm nhẹ TNHS là đánh giá không đầy đủ, toàn diện khách quan bản chất của vụ án, vi phạm nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 26 BLTTHS, đó là nguyên tắc về đưa ra yêu cầu, nguyên tắc mọi tình tiết đều phải được tranh luận, trình bày, làm rõ tại phiên tòa.

Mặt khác chứng cứ của TTPY và giám định viên đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đang làm xấu đi tình trạng của bị cáo, thì được Tòa án thu thập và áp dụng còn việc yêu cầu giám định lại của Luật sư và các bị cáo thì không được chấp nhận. Mặc dù pháp luật cho phép chỉ cần thấy nghi ngờ kết quả giám định là có thể tiến hành giám định lại. Cụ thể: khoản 2 Điều 29 Luật giám định tư pháp (2. Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này); Khoản 1 Điều 211 BLTTHS. Giám định lại:

  1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.

Thưa HĐXX , tôi không chỉ nghi ngờ mà tôi còn có căn cứ, chứng cứ. Đó là Bản tóm tắt bệnh án của BV 103, Giấy ra viện, và Bản kết luận giám định, những tài liệu này có những con số cụ thể rõ ràng, chúng đều là tài liệu của CQĐT thu thập nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét. Hơn nữa TTPY là người vi phạm quy định về giám định, đang có những mâu thuẫn nhưng tòa án lại sử để chính hộ giải thích cho những vi phạm đó là không đảm bảo tính khách quan của chứng cứ, vì đương nhiên họ phải bảo vệ kết luận giám định của mình.

Như vậy nói gọn lại: Tòa án cấp sơ thẩm đã dùng một chứng cứ không chính xác (là bản lết luận giám định), sau đó lại thu thập chứng cứ không khách quan (việc giải thích của chính người vi phạm), đánh giá chứng cứ không đúng pháp luật tố tụng (nghị án và áp dụng chứng cứ chưa được tranh luận tại tòa); đánh giá chứng cứ một cách chủ quan, áp đặt và phản khoa học (giải thích sự sai lệch kích thước vết thương).

Thứ tư, về việc áp dụng tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS cho bị cáo. Tôi Không đồng ý với việc áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d, khoản 1 Điều  52 BLHS “phạm tội có tính chất côn đồ” mà Tòa án sơ thẩm đã áp dụng với bị cáo.

Hiện nay Văn bản luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể về tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ, nhưng quan điểm của Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của tòa án nhân dân tối cao và Kết luận của chánh án tòa án nhân dân tối cao tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 1995 thì TTTN TNHS phạm tội có tính chất con đồ là nói đến hành vi của người phạm tội khi họ phạm tội một cách vô lý, chẳng có nguyên nhân hay lý do nào cả, hoặc nguyên nhân phạm tội là do bản thân người phạm tội mà ra. Ngoài ra thái độ của người phạm tội có tính chất côn đồ phải thể hiện ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác.

Trong trường hợp này bị cáo cũng đã bị kích động do nhầm lẫn anh C là người đánh bạn mình và phá cửa hàng của mình. Ngoài ra Bị cáo A khi phạm tội cũng do điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động vào; cụ thể trong trường hợp này bị cáo bị Bị cáo D tác động, và có sự nhầm lẫn về đối tượng (Bị cáo nhầm a C là người đã đánh bạn mình);

Hơn nữa, khi được thực hiện tội phạm được D gọi “thôi A ơi” thì bị cáo đã ngay lập tức dừng lại và bỏ trốn. Nhân thân bị cáo chưa tiền án tiền sự; (đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị kết án)

Vì vậy tôi đề nghị HĐXX không áp dụng tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 52 như Tòa án sơ thẩm đã áp dụng.

Kính thưa HĐXX! Nguyên tắc cơ bản của BLHS đã thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật như tại:

Điểm d, Điều 3 BLHS quy định: Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;

Điều 31 BLHS quy định: Mục đích của hình phạt

Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Nhưng Bản án sơ thẩm của Tòa sơ thẩm chỉ duy nhất đạt được Mục đích trừng trị người phạm tội. Không thể hiện sự khoan hồng, không cho thấy tính giáo dục tuyên truyền pháp luật.  Không những thế theo tôi nếu bản án sơ thẩm này được thi hành thì sẽ phản tác dụng bởi vì những vi phạm trên của bản án. Bản án có thể làm cho bị cáo và gia đình không tin tưởng vào pháp luật và cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trung tâm giám định pháp y của sở y tế tỉnh B, nhất là trong bối cảnh hiện nay vụ án Bác sỹ Hoàng Công Lương đang xôn xao dư luận, uy tín của ngành y tế B đang đi xuống trong lòng người dân.

Thưa HĐXX, tôi và HĐXX không đủ chuyển môn để khẳng định nếu giám định lại tỷ lệ tổn hại khỏe của bị hại sẽ giảm đi, nhưng tôi và thân chủ chỉ mong muốn việc giám định được làm đúng quy định, khách quan và chính xác. Để các bị cáo và gia đình họ chấp nhận bản án, chấp nhận hình phạt mà không oán trách lúc đó mới đạt được mục dích tuyên truyền giáo dục và phòng ngừa tội phạm đã ghi nhận tại Điều 31 BLHS.

Thưa HĐXX hiện chúng ta đã có cơ sở, đã có căn cứ pháp lý cho việc giám định lại đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo tiến hành giám định lại, đừng vội vàng kết tội các bị cáo, tôi nghĩ việc giám định lại có lâu đến mấy cũng không đáng gì với mức hình phạt của các bị cáo dù cho ở khoản nào nên sẽ không ánh hưởng đến việc thi hành án của các bị cáo; đồng thời thiệt hại của người bị hại cũng đã khắc phục nếu thời gian xét xử kéo dài cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị hại.

Từ những phân tích trên, tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào điểm k khản 1 Điều 73, Điều 26, khoản 1 Điều 211, khoản 2 Điều 326, điểm c khoản 1 Điều 355 Bộ luật TTHS tuyên hủy bản án sơ thẩm số 22/2018 /HS-ST của ngày 23/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố B để điều tra lại, làm rõ những mẫu thuẫn và khắc phục những vi phạm nêu trên cụ thể là phải giám định lại tỷ lệ thương tật của bị hại.

Xin cảm ơn hội đồng xét xử đã lắng nghe.

                                                                                                         Luật sư: Nguyễn Trọng Việt

 Luật Tầm Nhìn Viets – Luật sư bào chữa

 

 

 

 

 

 

 

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận