Cơ sở pháp lý:
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án , quyết định có hiệu lực của Tòa án. Việc ly hôn dẫn đến những hậu quả pháp lý liên quan đến giải quyết quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
Tuy nhiên, Tòa án chỉ giải quyết ly hôn trên cơ sở những lý do mà các bên đưa ra là hợp tình, hợp lí, không trái với pháp luật và đạo đức. Ngoài ra, pháp luật cũng đã dự liệu và quy định những trường hợp cấm ly hôn để đảm bảo cho quyền lợi của vợ hoặc chồng.
Sau đây là các trường hợp đó:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 :
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định này, người chồng không có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn khi mà người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tòa án trong các trường hợp này sẽ không chấp nhận yêu cầu đơn phương ly hôn của người chồng với bất kỳ lí do nào. Trừ trường hợp cả hai bên đều thuận tình ly hôn, và người vợ là người yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn thì Tòa sẽ có thể xem xét giải quyết vụ việc này.
Thứ hai, trong trường hợp không có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án sẽ không giải quyết việc đơn phương yêu cầu ly hôn của một bên ( Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).