ĐBQH ủng hộ phương án khởi kiện doanh nghiệp cung cấp nước bẩn

Vụ đổ dầu thải gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng vạn hộ gia đình đang sinh sống ở Thủ đô một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng, người dân có thể khởi kiện doanh nghiệp, trước hết là đơn vị trực tiếp bán nước cho dân để yêu cầu đền bù thiệt hại.

Chính quyền vào cuộc quá chậm trễ    

Vụ đổ dầu thải gây sự cố nước sạch sông Đà vừa qua một lần nữa đặt ra mối lo rất lớn về vấn đề an ninh nguồn nước, thưa ông?

Rõ ràng qua vụ việc này cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy vấn đề này không nằm trong phạm trù an ninh quốc gia, nhưng lại tác động lớn đến an ninh quốc gia. Điều đáng nói ở đây là, khi sự cố xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng vạn hộ dân như vậy nhưng sự vào cuộc của chính quyền là chưa kịp thời.

Điều này có lẽ xuất phát từ nhận thức và tính chủ động trong việc xử lý sự cố liên quan đến môi trường khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Trong quản lý nhà nước, sự cố nước sông Đà vừa rồi có lẽ nằm ngoài sự tính toán của nhà quản lý, cần phải nhận thức lại về vấn đề này.

Nhưng điều quan trọng ở đây là câu chuyện trách nhiệm. Đến nay tôi vẫn cứ thấy hai chữ trách nhiệm cứ ẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng, cứ quy vào trách nhiệm tập thể hết.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan chức năng, trong vụ việc này thậm chí có dấu hiệu né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, thưa ông?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu về việc này. Nhưng với những sự cố như vậy, rõ ràng người đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải vào cuộc ngay tức thì. Vì việc mất nước xảy ra trên địa bàn Hà Nội, nên cần phải vào cuộc ngay để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đây là một yêu cầu với chính quyền, dù người dân là người ký kết hợp đồng với nhà cung cấp, nhưng đây là một loại hàng hóa thiết yếu, có thể thiếu gạo, thiếu hàng hóa khác nhưng không thể thiếu nước.

Chúng ta đều thấy, sự cố diễn ra trong nhiều quận, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân, thậm chí còn nảy sinh nhiều vấn đề mà người dân bức xúc, có phản ứng dẫn đến mất an ninh trật tự. Rồi một số đối tượng còn lợi dụng sự cố này để đầu cơ, mà thực tế đã xảy ra rồi…. Cũng giống như các sự cố khác, sau này cần có sự phân loại để xử lý. Ở đây có vai trò rất lớn của người đứng đầu địa phương.

Kiện ra tòa, yêu cầu đền bù

Cuộc sống của hàng vạn người dân bị ảnh hưởng rất lớn vì sự cố này, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân, thưa ông?

Nhân vụ việc này tôi đề nghị báo chí lên tiếng, yêu cầu doanh nghiệp trực tiếp cung cấp, bán nước sinh hoạt phải đền bù thiệt hại cho người dân. Tôi ủng hộ phương án khởi kiện doanh nghiệp. Bây giờ người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, giống như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm ở Đồng Nai trước đây.

ĐBQH ủng hộ phương án khởi kiện doanh nghiệp cung cấp nước bẩn - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng

Vụ việc này đã khởi tố thì phải xác định rõ tội danh, nếu phát hiện đối tượng đổ dầu phải xử lý nghiêm. Còn với doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự đã quy định về xử lý pháp nhân rồi, giờ phải nghiên cứu, xem có vi phạm của doanh nghiệp này không để xử lý về hình sự. Nếu không xử lý được hình sự, doanh nghiệp phải có trách nhiệm về dân sự, yêu cầu bồi thường.

Nhưng có ý kiến cho rằng, vấn đề ở đây là khó chứng minh được thiệt hại để yêu cầu đền bù, ông nghĩ sao?

Việc này không khó. Ví dụ người dân phải bỏ công sức chầu chực lấy nước, là thiệt hại; người dân phải bỏ tiền ra mua nước là thiệt hại; các hộ kinh doanh cửa hàng ăn vì không có nước, không kinh doanh được cũng là thiệt hại…

Ngoài thiệt hại về sức khỏe, vật chất còn có thiệt hại về mặt tinh thần. Trong vụ việc này, theo tôi, công ty cấp nước đã vi phạm hợp đồng, vì sự cố xảy ra, anh xử lý không đảm bảo, không kịp thời, biết thế mà vẫn cấp nước cho người dân sử dụng. Cũng như trong vụ cháy nhà máy Rạng Đông, phải xử lý triệt để, làm mạnh lên để phòng ngừa, răn đe.

Nói về chia sẻ, thái độ từ chủ đầu tư, tại buổi họp báo, đại diện chủ đầu tư – đơn vị cấp nước bán cho các doanh nghiệp phân phối nói chỉ xin lỗi khách hàng khi có kết luận chính thức, thậm chí còn nói họ mới là người thiệt hại nhất?

Đó là vấn đề về văn hóa doanh nghiệp. Qua báo chí phản ánh, tôi được biết doanh nghiệp này có doanh thu lợi nhuận tốt. Họ nói như vậy thể hiện sự vô tâm, thậm chí là nhẫn tâm, xem khách hàng không phải thượng đế. Việc này phải lên án để tạo ra một văn hóa trong kinh doanh, văn hóa trong doanh nghiệp, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu của người dân.

Lúc này là phải chia sẻ, thậm chí cúi đầu nhận lỗi, nhưng họ lại có thái độ coi thường người dân như vậy, không thể chấp nhận. Cho nên phải xem xét trách nhiệm thông qua khởi tố vụ án và thông qua con đường khởi kiện.

Cảm ơn ông.

Theo Thành Nam (thực hiện)

Tiền Phong

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận