Đề xuất bỏ phí bảo trì chung cư

Việc đại diện Sở Xây dựng TP HCM vừa qua đưa ra đề xuất liên quan tới việc thu nộp phí bảo trì thu hút được sự chú ý đặc biệt từ dư luận, bởi cuộc chiến giành 2% phí bảo trì chung cư giữa chủ đầu tư và Ban quản trị (BQT) chung cư đã kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa bao giờ là chủ đề nguội.
Theo đề xuất của ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, khi sửa Luật Nhà ở, nên bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì nhà chung cư như hiện nay. Thay vào đó, cần đưa ra những chế tài liên quan đến trách nhiệm của cư dân khi phát sinh những vấn đề cần đến phí bảo trì nhà chung cư.

Ông Hải cho rằng, phí bảo trì cũng là nguồn quỹ có hạn sử dụng, thông thường chỉ khoảng 5-10 năm. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu. Nếu sau đó phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ nộp vào. Trường hợp người không nộp phải có chế tài quy định hoặc trích trong kinh phí quản lý vận hành chung cư sẽ dễ dàng hơn.

Hiện cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP HCM. Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, nếu chỉ tính đến hết quý II-2018 thì trên phạm vi cả nước có 100 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư. Trong đó việc tranh chấp, khiếu kiện phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Do đó, nếu vẫn còn quy định khi mua nhà chung cư, người mua nhà phải nộp kinh phí bảo trì 2% sẽ còn phát sinh tranh chấp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên ban chấp hành Tổng hội xây dựng Việt Nam, cho rằng, trong các loại tranh chấp tại nhà chung cư thì tranh chấp việc quản lý 2% phí bảo trì (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán) đứng hàng đầu và rất dai dẳng, thậm chí có khi xảy ra những xung đột lớn kéo nhau ra tòa. Theo đó, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ chung cư.

Mặc dù, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì. Số tiền này phải được gửi vào ngân hàng thương mại và chuyển giao lại cho BQT nhà chung cư khi BQT được thành lập. Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng quỹ bảo trì đã bị lạm dụng, chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì sử dụng vào mục đích đầu tư, mở rộng dự án khác, khi cần tới tiền thì chủ đầu tư không còn tiền để chi trả sửa chữa khiến cư dân bức xúc. Đáng nói, không những có tình trạng chủ đầu tư lạm dụng quỹ bảo trì mà ngay cả BQT tòa nhà khi được bàn giao quản lý quỹ cũng có hiện tượng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.

Trên thực tế, luật sư Nguyễn Trọng Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện nay quy định buộc chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì vẫn chưa rõ ràng, cụ thể và thật sự chặt chẽ. Bởi một dự án có rất nhiều căn hộ, bán nhiều đợt, với nhiều mức giá khác nhau. Trong khi số tiền này người mua nhà đóng cùng với giá bán căn hộ vào chung một tài khoản cho chủ đầu tư từ lúc nhận nhà.

Dưới góc độ của một thành viên trong BQT chung cư, ông Nguyễn Thụ, thành viên BQT tòa nhà CT6A khu đô thị Đặng Xá, Hà Nội cho hay: “Chủ đầu tư giữ số tiền này đến khi bàn giao cho BQT mất ít nhất cũng 2 năm, chậm có khi mấy năm vì phải chờ thành lập BQT. Trong quá trình này nhiều chủ đầu tư mượn dùng vào việc khác nên mới có chuyện chủ đầu tư chây ì không chịu tiến hành họp để bầu BQT.

Đến lúc bàn giao rồi, những người trong BQT cũng không đủ điều kiện để kiểm tra, tính toán xem số tiền chủ đầu tư đưa ra có đúng, có đủ; bởi họ không thể đi kiểm tra sổ sách kế toán của chủ đầu tư xem số tiền 2% là bao nhiêu. Đây là một khe hở rất lớn khiến số tiền này bị thất thoát. Do đó, khi thu khoản phí này cần buộc chủ đầu tư phải nộp vào một tài khoản riêng, hạch toán độc lập để công khai minh bạch khi chuyển về cho BQT quản lý”.

Có thể nói đề xuất về việc bỏ quy định người mua nhà phải nộp 2% phí bảo trì nhà chung cư vẫn nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều giữa đồng ý và chưa đồng ý. Tuy nhiên, dù có thế nào thì rõ ràng việc tăng cường công tác quản lý và quy định chi tiết, chặt chẽ để việc thu chi được minh bạch, công khai, tránh hiện tượng lạm quyền, trục lợi mới là điểm mấu chốt của vấn đề.

Theo phapluatxahoi.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận