Giải quyết tranh chấp quyền Sở hữu công nghiệp
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 không có quy định riêng về tranh chấp cũng như việc giải quyết tranh chấp Sở hữu công nghiệp thay vào đó là những quy định về hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ nói chung và quyền Sở hữu công nghiệp nói riêng cùng những biện pháp nhằm bảo vệ quyền này.
- Tranh chấp quyền Sở hữu công nghiệp
Tranh chấp quyền Sở hữu công nghiệp cũng như mọi tranh chấp trong các mối quan hệ, sẽ phát sinh khi một bên có hành vi xâm phạm và quyền lợi hợp pháp của một bên không được đảm bảo. Hành vi xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp căn cứ trên đối tượng sở hữu công nghiệp mà được chia thành ba nhóm, cụ thể:
Thứ nhất, hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được quy định tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ gồm những hành vi như “Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu” hay “Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời”
Thứ hai, hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh. Ta vốn biết khác với những đối tượng còn lại của quyền sở hữu công nghiệp, quyền bảo hộ đối với bí mật kinh doanh được thể hiện qua việc sử dụng những biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được bởi vậy, Điều 127 luật Sở hữu trí tuệ quy định những hành vi “tiếp cận, thu thập thông tin” hay “bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh” đã được coi là hành vi xâm phạm.
Thứ ba, hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ như hành vi “Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng” ví dụ một doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu Nike cho sản phẩm là thuốc chữa bệnh hay bất cứ sản phẩm nào khác không thuộc danh mục hàng hóa mang nhãn hiệu nổi tiếng này.
- Giải quyết tranh chấp quyền Sở hữu công nghiệp
Đối với tranh chấp quyền Sở hữu trí tuệ cũng như quyền Sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu có thể áp dụng một số biện pháp nhằm bảo vệ quyền của mình đồng thời giải quyết tranh chấp. Dựa vào chủ thể thực hiện, biện pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp được chia làm hai loại: do chính chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.
Theo Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ quy định về quyền tự bảo vệ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cụ thể ở đây là chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp, theo đó chủ thể này có quyền áp dụng một số biện pháp để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình như “Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” hay “Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại” bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm, trong đó nêu rõ các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phỉa ấn định một thơi hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm (khoản 3 Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP)
Các biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm biện pháp hành chính, biện pháp dân sự, biện pháp hình sự.
Thứ nhất, đối với biện pháp dân sự, theo Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp với chủ thể có hành vi xâm phạm như buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai hay buộc bồi thường thiệt hại … Theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện, đối với tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Thứ hai, đối với biện pháp hành chính, Luật sở hữu trí tuệ dành một mục riêng quy định cụ thể về biện pháp hành chính này từ các hành vi xâm phạm quyề sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính thậm chí quy định rõ về một hành vi xâm phạm xác định (Điều 213 quy định cụ thể thế nào là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ) đến việc quy định các hình thức xử phạt hành chính gồm hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và đinh chỉ có thời hạn hoạt động kih doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm). Ta có thể nhận thấy, trong các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp hành chính được quy định cụ thể, rõ ràng nhất, các nhà làm luật không chỉ dừng lại ở việc quy định về biện pháp này trong Luật sở hữu trí tuệ mà còn có những văn bản hướng dẫn quy định về từng hành vi xâm phạm, hình thức xử phạt cũng như mức xử phạt đối với chúng như Nghị định 99/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và Thông tư 11/2015/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 99/2013. Cũng bởi được quy định cụ thể và sự nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian của biện pháp hành chính mà căn cứ số liệu thống kê về thực trạng giải quyết tranh chấp quyền Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam, biện pháp này thường được áp dụng hơn cả. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tùy theo hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của các cơ quan sau: Thanh tra Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Thông tin và Truyền thông; Quản lý thị trường; Công an nhân dân; Hải quan đối với hành vi vi phạm trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện với hành vi vi phạm xảy ra tại địa phương.
Cuối cùng, Điều 212 Luật sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thi bị truy cứu trách nhiệm hành sự theo quy định pháp luật hình sự. Theo đó, Bộ luật hinh sự sửa đổi năm 2009 quy định hai tội trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ bao gồm: Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ (Điều 170) và Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 171). Tuy nhiên, Bộ luật hinh sự năm 2015 tuy hiện đang bị hoãn thi hành hiệu lực song vẫn được áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội, trong đó, Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ bị bãi bỏ.
Luật Tầm Nhìn Viets – Tư vấn quyền sở hữu trí tuệ