Tranh chấp bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt: Sau 12 năm, “bà chủ” đã ra tòa đối chất với họa sĩ Lê Linh

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ kiện bản quyền 4 hình tượng nhân vật của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, người đứng đầu công ty Phan Thị đã lần đầu xuất hiện sau 12 năm để đối chất với họa sĩ Lê Linh.

Tiếp tục tranh cãi về quyền tác giả

Hôm nay (16/7), TAND TP.HCM xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa họa sĩ Lê Phong Linh (SN 1974) và bị đơn là công ty TNHH Thương mại dịch vụ kỹ thuật và phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) cùng bà Phan Thị Mỹ Hạnh (SN 1965, TP.HCM).

Xét xử sơ thẩm hồi đầu năm 2019, TAND quận 1 đã công nhận ông Lê Linh là tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt. HĐXX sơ thẩm cũng chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về yêu cầu buộc Công Ty Phan Thị xin lỗi công khai và bồi thường chi phí thuê luật sư. Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng cáo của phía bị đơn.

Hồ sơ điều tra - Tranh chấp bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt: Sau 12 năm, “bà chủ” đã ra tòa đối chất với họa sĩ Lê Linh

Họa sĩ Lê Linh kiên quyết bảo vệ quyền tác giả duy nhất của mình.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/7, phía nguyên đơn, họa sĩ Lê Linh yêu cầu công nhận mình chính là “cha đẻ” sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo là các nhân vật trung tâm của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Ông Linh cũng yêu cầu công ty Phan Thị dừng việc tiếp tục sản xuất các biến thể (hiện nay đã có hơn 200 ấn bản) làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của tác phẩm.

Phản bác các yêu cầu này, đại diện công ty Phan Thị cho rằng, tác phẩm được sáng tác trong thời gian họa sĩ Lê Linh đang là nhân viên của công ty Phan Thị và ông Linh vẽ dưới sự chỉ đạo của bà Hạnh, nên toàn bộ sở hữu bản quyền tác phẩm thuộc công ty Phan Thị. Vì lý do này, công ty Phan Thị kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Luật sư Nguyễn Vân Nam cho biết: “Bốn nhân vật định hình rõ trong đầu óc của bà Hạnh nhưng vì không phải là họa sĩ nên bà Hạnh đã thuê một số họa sĩ trong đó có họa sĩ Lê Linh để vật chất hóa các nhân vật đúng như trong thế giới tinh thần của bà Hạnh”. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận bà Hạnh không phải người trực tiếp vẽ ra tác phẩm.

Ngay lập tức, họa sĩ Lê Linh phản đối hoàn toàn việc bà Hạnh cho rằng có mô tả về nhân vật. “Bà Hạnh chỉ gợi ý về việc sản xuất một bộ truyện và còn đưa yêu cầu tên nhân vật là cu Bia nhưng tôi không đồng ý với tên này. Tôi muốn tạo ra một bộ truyện thuần Việt hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi truyện tranh Nhật nên mới đặt tên cho các nhân vật là Trạng Tý, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo.

Thậm chí, lúc đó hợp tác tốt đẹp nên tôi đã đặt kế hoạch dài lâu cho bộ sách chứ không chỉ dừng lại ở các nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo như đã ấn bản. Từ tập 79 trở đi bất cứ trang nào có xuất hiện 4 hình tượng nhân vật này đều là xâm phạm đến bảo vệ sự toàn vẹn của nhân vật”, họa sĩ Lê Linh nói.

Hồ sơ điều tra - Tranh chấp bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt: Sau 12 năm, “bà chủ” đã ra tòa đối chất với họa sĩ Lê Linh (Hình 2).

Họa sĩ Lê Linh và luật sư Nguyễn Vân Nam (áo xanh) tranh luận tại phiên tòa.

Đại diện cho họa sĩ Lê Linh, luật sư Trương Thị Thu Hồng, đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, chứng cứ chứng minh quyền tác giả là ông Lê Phong Linh đã có đăng ký bản quyền tác giả từ tập 1 đến tập 78, tất cả các ấn bản đều có ghi tên họa sĩ Lê Linh.

“Luật quy định rằng tác giả phải là người trực tiếp thực hiện tác phẩm. Những điều nằm trong ý tưởng không thể hiện ra bằng hình thức vật chất thì không được bảo hộ. Giả sử ông Lê Phong Linh có thực hiện các nhân vật này theo sự mô tả của bà Phan Thị Mỹ Hạnh, thì ông Linh vẫn là tác giả của tác phẩm đã được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định”, luật sư Hồng tranh luận tại tòa.

Nhập nhằng giữa quyền sở hữu và quyền tác giả

Sau 12 năm xảy ra tranh chấp, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty Phan Thị lần đầu tiên có mặt tại phiên tòa. Trình bày trước HĐXX, bà Hạnh nói: “Trong quá trình xuất bản, nếu đơn vị cấp phép xuất bản yêu cầu chỉnh sửa về hình vẽ thì tôi quyết định hết, không cần trao đổi lại với họa sĩ. Từ tập 79 trở đi, công ty Phan Thị tiếp tục xuất bản không chỉnh sửa các hình tượng nhân vật này nhưng không đề tên ông Linh nữa, vì họa sĩ khác vẽ nên chúng tôi đề tên họa sĩ khác”.

Hồ sơ điều tra - Tranh chấp bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt: Sau 12 năm, “bà chủ” đã ra tòa đối chất với họa sĩ Lê Linh (Hình 3).

Lần đầu tiên sau 12 năm tranh chấp, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty Phan Thị đã ra tòa để đối chất với phía nguyên đơn.

Trả lời câu hỏi của thẩm phán Phùng Văn Hải, chủ tọa phiên tòa, bà Phan Thị Mỹ Hạnh thừa nhận chỉ là người có ý tưởng và đặt tên cho bộ truyện, còn người trực tiếp thực hiện hành vi vẽ là họa sĩ Lê Linh. Bà Hạnh cho biết, không có hợp đồng nào ký riêng với ông Linh về các phần công việc nào khác hoặc thỏa thuận đứng tên chung là đồng tác giả mà chỉ có hợp đồng lao động ghi “làm việc theo yêu cầu của công ty”.

Nhưng cũng tại phiên tòa, bà Hạnh một mực khẳng định: “Bộ truyện Thần đồng đất Việt thuộc về công ty Phan Thị, do tôi đồng sáng tạo và việc ghi tên ông Linh chỉ là để giao lưu với công chúng. Tôi là người đưa ra ý tưởng. Tôi đã cùng bàn bạc trao đổi (bằng lời nói và bằng đồ họa vi tính) với họa sĩ Lê Linh từ tập 1 đến tập 7”.

Hồ sơ điều tra - Tranh chấp bản quyền truyện tranh Thần đồng đất Việt: Sau 12 năm, “bà chủ” đã ra tòa đối chất với họa sĩ Lê Linh (Hình 4).

Phía công ty Phan Thị tiếp cho rằng, bà Hạnh là đồng tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.

Về quy trình, bà Hạnh thừa nhận họa sĩ Lê Linh là người vẽ phác thảo tác phẩm bằng tay, đúng như những bản phác thảo mà họa sĩ đã trình bày trước tòa, rồi sau đó mới chuyển lên làm đồ họa trên máy vi tính. Trước tòa, người đứng đầu công ty Phan Thị xác nhận: “Từ tập 1 đến tập 79 công chúng ghi nhận truyện và tranh là họa sĩ Lê Linh”. Đồng thời, bà Hạnh cũng khẳng định hoàn toàn không biết quyền sở hữu và quyền tác giả có đồng nhất hay không.

Phiên tòa sẽ được tiếp tục phần tranh luận vào 14h ngày 29/7.

Theo Báo người đưa tin

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận