Quyền sở hữu trí tuệ đối với Tên thương mại

Tên thương mại

Bên cạnh nhãn hiệu, sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại cũng là một trong những đối tượng quyền sở hữu công nghiệp.

1, Định nghĩa:

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tên thương mại “là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh” (khoản 21 Điều 4)

Trong những đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, tên thương mại thường bị nhầm lẫn với nhãn hiệu bởi có một số nét tương đồng như cùng là một tên gọi được chủ thể có quyền bảo hộ sử dụng nhằm mục đích phân biệt. Ở đây, ta cần phân biệt hai đối tượng này dễ gây nhầm lẫn này với nhau. Trước hết, khác với định nghĩa tên thương mại nêu trên, dấu hiệu được hiểu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.Như vậy dù cùng một mục đích “phân biệt”, song ngay từ định nghĩa, ta cũng đã thấy sự khác biệt của hai đối tượng này, nếu tên thương mại dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh thì nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ – tức đối tượng của hoạt động kinh doanh.

Ta có thể xem xét một ví dụ để hiểu rõ về sự khác biệt này như sau: Công ty CP sản xuất thương mại ABC sản xuất và kinh doanh sản phẩm văn phòng phẩm, ở đây Công ty CP sản xuất thương mại ABC là tên thương mại nhằm phân biệt với những doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực kinh doanh văn phòng phẩm khác và ABC là nhãn hiệu với dấu hiệu là biểu tượng, hình ảnh.

2, Bảo hộ tên thương mại:

2.1, Điều kiện bảo hộ với tên thương mại:

Với mục đích phân biệt với những chủ thể kinh doanh khác nên khả năng phân biệt là điều kiện tiên quyết để tên thương mại được bảo hộ, cụ thể Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh”. Theo Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ, một tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt khi có đủ các điều kiện

“1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;

  1. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
  2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.”

2.2, Bảo hộ tên thương mại:

Khác với những đối tượng sở hữu công nghiệp khác, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp là tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp đó, khoản 3 Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu tên thương mại “là tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.”. Do đó, với tên thương mại không đặt ra vấn đề đăng ký cấp văn bằng bảo hộ.

Luật Tầm Nhìn Viets – Tư vấn sở hữu trí tuệ

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận