Một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay

ong những năm vừa qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nước ta đã trở nên báo động và khá nghiêm trọng. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh và trật tự xã hội. Những năm vừa qua, ngành Tòa án đã đưa ra xét xử nhiều vụ đại án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều ngân hàng và nhiều cá nhân với tổng số tiền lên tới hơn 4.900 tỷ đồng; vụ án Lê Xuân Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên kết Việt và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 60.000 người; vụ Chu Minh Ngọc, Giám đốc Công ty Cimco cùng đồng bọn lập khống hồ sơ mua bán thép để hợp thức hồ sơ vay vốn lừa đảo chiếm đoạt 1.124 tỷ đồng của 7 ngân hàng; vụ Phan Bá Tòng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 700 tỷ đồng của các ngân hàng và khách hàng; vụ Công ty Cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo lừa đảo chiếm đoạt 178 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại. Tình trạng mất an ninh, an toàn mạng diễn ra phổ biến ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân sử dụng máy tính. Hàng năm có hàng nghìn vụ việc tội phạm sử dụng  máy tính mạng, mạng viễn thông và phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Với đặc điểm là một loại tội phạm mới, sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội thì việc nhận diện được phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này đã và đang gặp nhiều khó khăn. Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, xảo quyệt, số vụ án về loại tội phạm này được đưa ra xét xử ngày càng tăng, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017, lực lượng cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra 1.048 vụ án về kinh tế, 90 vụ xâm phạm sở hữu tài sản. Trong đó, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 65 vụ (chiếm 72,22 tổng số vụ xâm phạm sở hữu tài sản), 89 đối tượng, thiệt hại tài sản 22.555 triệu đồng (Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Phòng Cảnh sát kinh tế – Công an TP Hà Nội). Thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thể hiện trong một số lĩnh vực như: Thứ nhất, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng Một là, đối với đối tượng ngoài ngành ngân hàng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng các thủ đoạn: (1) Thế chấp khống hàng hóa với khối lượng lớn tuy thực chất chỉ có một ít hàng; lập hợp đồng kinh tế khống, hợp đồng thuê kho ba bên khống, hóa đơn VAT khống, hóa đơn VAT giả… trường hợp này thường có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, sau khi thế chấp vay được tiền đối tượng sẽ chiếm đoạt khoản tiền đó; (2) Thế chấp ngân hàng bằng hàng hóa hình thành từ vốn vay, ngân hàng giám sát không chặt chẽ để khách hàng bán tài sản nhưng không trả nợ; (3) Lập hồ sơ, phương án kinh doanh giả, sử dụng tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của mình để móc nối vay tiền ngân hàng; (4) Lợi dụng thuê nhà, thuê đất để kinh doanh rồi dùng giấy tờ sở hữu của chủ nhà, chủ đất làm giả sang tên cho mình hoặc làm sổ đỏ giả thế chấp vay tiền ngân hàng, chiếm đoạt. Hai là, thủ đoạn của các đối tượng là cán bộ ngân hàng: (1) Giả mạo chữ ký của lãnh đạo ngân hàng, kế toán viên, thủ quỹ để làm thủ tục chuyển tiền cho chi nhánh ngân hàng khác trong hệ thống rồi rút lại tiền; (2) Lợi dụng sơ hở, thiếu cẩn trọng trong công việc của các đồng nghiệp để lồng các chứng từ chuyển tiền giả mạo vào công văn trình ký. Thứ hai, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính: (1) Sử dụng những giấy tờ giả các Tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước… lừa đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về cho vay tín dụng; (2) Lập công ty “ma”, tổ hợp “ma” vay tiền, huy động vốn. Hiện nay xuất hiện rất nhiều những trang web lập nên nhằm mục đích lừa đảo dưới hình thức huy động tài chính đa cấp. Thứ ba, lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán: (1)Nhận vay hộ vốn ngân hàng bằng sổ đỏ. Thực tế trong những năm qua ở một số vùng quê, các đối tượng phạm tội lợi dụng nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh của các hộ dân, đặt vấn đề vay hộ với điều kiện những người này phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký các giấy ủy quyền thế chấp nhà cửa, để bảo lãnh cho chúng vay vốn. Sau khi rút được tiền của ngân hàng chúng không đưa lại tiền cho họ và cũng không trả lại sổ đỏ, chỉ sau khi hết hạn vay ngân hàng yêu cầu những người bảo lãnh phải thanh toán, họ mới biết là mình bị lừa; (2) Mang đất đã thế chấp vay vốn ngân hàng ra chia lô để bán; (3)Dùng thủ đoạn gian dối, mạo nhận quen biết với các cán bộ quan chức, người có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan Nhà nước, các dự án lớn hứa hẹn và nhận tiền để “chạy”, lo thủ tục cấp phép cho dự án hoặc gây ảnh hướng với người khác rồi nhận tiền, nhưng sau đó không làm được việc như đã hứa hẹn, không hoàn trả được tiền mà chiếm đoạt hoặc bỏ trốn; (4) Các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết về thông tin về dự án của các khách hàng, đưa ra thông tin sai lệch để khách hàng tin là có thật. Sau đó nhận tiền của khách hàng chiếm đoạt hoặc bỏ trốn; (5) Mạo danh nhà đầu tư thứ cấp của các công ty bất động sản lớn để kêu gọi đầu tư, rao bán nhà và lừa gạt khách hàng; (6) Làm giả giấy tờ, tài liệu, các quyết định giao đất của các cơ quan như: UBND thành phố, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Quy hoạch kiến trúc lập dự án “ma” rồi tổ chức huy động vốn hoặc lừa bán căn hộ, nhà “trên giấy” chiếm đoạt tài sản; (7) Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc làm giả bộ hồ sơ, hợp đồng góp vốn, mua căn hộ, nhà đất của một chủ đầu tư dự án có thật để thu tiền, chiếm đoạt rồi bỏ trốn. Thứ tư, lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động: (1) Thông qua việc môi giới lao động, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; (2) Lợi dụng quy định của Luật Doanh nghiệp đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn với chức năng xúc tiến việc làm tạo vỏ bọc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (3) Móc nối, mua chuộc một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn, núp bóng dưới danh nghĩa các cơ quan nhà nước, các trung tâm quốc tế có chức năng xuất khẩu lao động để lừa đảo; (4) Thành lập công ty “ma” sử dụng con dấu giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân có nhu cầu muốn đi lao động ở nước ngoài; (5) Quảng bá xuất khẩu lao động sai với sự thật, dùng hình thức đi du lịch trong thời gian ngắn hoặc sử dụng visa, thẻ thuyền viên giả để đưa người lao động ra nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ; (6) Tuyển lao động vào công ty hứa sẽ cho đi xuất khẩu lao động, nhưng thực chất chỉ là đi thăm quan, giới thiệu sản phẩm, tham gia dự triển lãm ở nước ngoài, sau đó bỏ mặc họ tự tìm việc ở nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; (7) Móc nối với một số phần tử xấu ở nước ngoài để xây dựng “kịch bản” đưa người xuất khẩu lao động ra nước ngoài chiếm đoạt tài sản. Thứ năm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn rác và mạng xã hội facebook, zalo. Lợi dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, mạng internet, mạng viễn thông đưa ra thông tin trúng thưởng để lừa đảo, như: gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng đến các số điện thoại, gửi các đường link thông báo trúng thưởng đến các tài khoản trong trang mạng xã hội (facebook, zalo, skype, viber…), các website game. Nội dung tin nhắn thông báo trúng thưởng có hình thức phổ biến như: Thông báo bạn đã trúng thưởng giải nhất của chương trình sự kiện vàng tri ân khách hàng facebook gồm 01 xe máy SH, 01 Phiếu quà tặng trị giá 350.000.000 đồng (ba trăm năm mươi triệu đồng), 01 phiếu sử dụng xăng miễn phí 01 năm của Petrolimex do Tập đoàn Messenger và Honda đồng tài trợ. Hoàn thiện hồ sơ truy cập vào web http://www.traogiaithang11.com) và liên lạc với số điện thoại. Khi có người click vào đường link thông báo trúng thưởng này sẽ được hướng dẫn cách thức nhận thưởng gồm: Đăng nhập tài khoản của mình tại đây thì sẽ bị đối tượng chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản, thông báo nộp tiền phí nhận thưởng bằng cách nạp thẻ cào điện thoại hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Thứ sáu, lừa đảo lừa đảo thông qua hình thức Vishing Đây là thủ đoạn phạm tội mới, đối tượng thường sử dụng dịch vụ gọi điện qua Internet (VOIP – Voice over Internet Protocol) hoặc sử dụng sim rác để che giấu danh tính, giả danh những người có thẩm quyền, gọi đến nạn nhân thông báo nội dung liên quan đến tài chính của họ, từ đó đưa ra yêu cầu nạn nhân phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào một tài khoản do đối tượng cố định. Thực tế cho thấy, các đối tượng phần lớn là người nước ngoài thường là những ổ nhóm người Việt Nam, câu kết với một số đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, khi nhập cảnh vào Việt Nam thường chọn địa bàn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố lớn thuê nhà, thuê đường truyền Internet tốc độ cao, bằng công cụ kỹ thuật chuyển cuộc gọi, các đối tượng thực hiện việc gọi điện đến các thuê bao cố định hoặc di động, giả danh cơ quan công an hoặc nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng. Sau khi lấy được lòng tin của người dân, các đối tượng tiếp tục giả danh là người đại diện của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Công an, Viện kiểm sát muốn kiểm tra xem số dư tài khoản ngân hàng của nạn nhân có phải phi pháp hay không và liên tục đe dọa, trấn áp tinh thần của nạn nhân và cuối cùng, chúng yêu cầu nạn nhân phải chuyển tiền vào tài khoản của các cơ quan bảo vệ pháp luật hoặc cơ quan tài chính nhà nước để giám định kiểm tra. Thứ bảy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình kinh doanh đa cấp – đa cấp tiền ảo Với thủ đoạn này, những nhà đầu tư bị dụ dỗ đầu tư vào những kế hoạch lừa đảo với những lời hứa sau khi đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, thực chất không hề có sự đầu tư nào được gọi là công ty đầu tư, mà chính là những nhà đầu tư trước sẽ nhận được lợi nhuận từ tiền của những nhà đầu tư sau. Nhưng khi hệ thống này đổ bể, những nhà đầu tư không hề nhận được phần chia cho mình như lời hứa, và mất cả số vốn đầu tư ban đầu. Đây là thủ đoạn lừa đảo rất phổ biến trên mạng Internet tại Việt Nam trong thời gian gần đây: Có thể kể đến vụ Colony Invest, vụ công ty cổ phần đào tạo trực tuyến MB24 và công ty CPTM Cộng Đồng Việt lợi dụng việc bán gian hàng ảo trên mạng Internet lừa đảo chiếm đoạt số tiền lần lượt là 700 tỷ đồng và 400 tỷ đồng, hay gần đây nhất là vụ việc lừa đảo đa cấp tiền đảo Ifan và Pincoin với tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt lên tới 15.000 tỷ đồng. Thủ đoạn của hình thức lừa đảo trên đó là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên, không có phát sinh lãi, không kinh doanh.                                                                                    Theo kiemsat.vn
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận