Quyền thăm con sau ly hôn của người không trực tiếp nuôi con

Khi vợ chồng ly hôn thì quan hệ hôn nhân chấm dứt, nhưng quan hệ giữa cha, mẹ và con cái là quan hệ huyết thống kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng tôn trọng, thực hiện đúng nghĩa vụ và vai trò của mình trong mối quan hệ này, phổ biến là tình trạng người nuôi con cố tình gây khó, ngăn cản người kia thăm nom và chăm sóc con chung.

Pháp luật quy định như thế nào về quyền thăm nom con sau khi ly hôn?

Theo Điều 82 Luật HNGĐ 2014 quy định nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con; Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Theo Điều 83 Luật này quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

– Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định về nghĩa vụ của cha mẹ; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

– Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định rõ: sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Đây là quyền lợi cũng là nghĩa vụ về nhân thân, mang tính bắt buộc của bậc làm cha mẹ. Theo đó, người trực tiếp nuôi con nếu gây khó, cản trở người kia đến thăm con; hoặc người không trực tiếp nuôi con nếu lạm dụng việc thăm con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến con đều là hành vi, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, hành vi gây khó, cản trở quyền, nghĩa vụ trong quan hệ giữa cha, mẹ và con cũng là hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điều 2 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận