Quyền nuôi con khi vợ, chồng không đăng ký kết hôn

Đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 9 Luật hôn nhân gia đình 2014 Điều 9 như sau:

“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

Do đó, việc vợ chồng không có đăng ký kết hôn sẽ không được công nhận quan hệ vợ chồng và chỉ được coi là việc nam nữ chung sống như vợ chồng.

Theo Điều 14 Luật hôn nhân gia đình 2014 về việc giải quyết việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì:

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.”

Như vậy, khi không có đang ký kết hôn thì Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng trong trường hợp này. Tuy nhiên, mặc dù không phát sinh các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng nhưng việc nam nữ chung sống như vợ chồng sẽ làm phát sinh các quan hệ về quyền, nghĩa vụ đối với con cái, tài sản theo Luật hôn nhân gia đình 2014.

– Đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi: Quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn đối với đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi được ưu tiên cho người mẹ nuôi, điều này được áp dụng theo quy định Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014. Nếu cha mẹ có thỏa thuận khác hoặc người mẹ không có điều kiện nuôi con thì người cha được quyền nuôi con. Người cha có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật.

– Đối với trường hợp con trên 36 tháng tuổi: Quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn đối với con trên 36 tháng tuổi sẽ do hai bên cha mẹ thỏa thuận, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên sao cho hợp tình, hợp lý và bảo vệ được quyền và lợi ích cho đứa trẻ. Nếu hai bên có tranh chấp về quyền nuôi con thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết.

Ngoài ra, đối với trường hợp con trên 7 tuổi thì tòa án sẽ xem xét thêm ý kiến của con xem con mong muốn sống với cha hay với mẹ vì vậy ý kiến của đứa trẻ sẽ là một căn cứ quan trọng để phân xử quyền nuôi con. Như vậy, việc xác định quyền nuôi con không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ, do đó, việc xác định này cũng không bị ảnh hưởng khi cha mẹ chúng không có đăng ký kết hôn. Hai bên vợ, chồng có thể tự thỏa thuận về vấn đề nuôi con. Trong trường hợp có tranh chấp, Tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật trên cơ sở xem xét đến hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế và tình hình của đứa trẻ.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Notify of
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận