Mỗi mùa mưa bão đến, vấn đề cây xanh gãy, đổ gây thiệt hại cho người đi đường, xe cộ tại các đô thị là không tránh khỏi. Nhiều người bị thương nghiêm trọng do cây xanh gãy, đổ vào người. Không ít phương tiện giao thông, đặc biệt là xe ô tô bị cây đổ đè, gây hưu hỏng nghiêm trọng. Vậy ai chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thương và chủ phương tiện bị thiệt hại.
Luật Tầm nhìn VIETS xin đưa ra quan điểm pháp lý về vấn đề này như sau:
Căn cứ Điều 604 BLDS 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.
Như vậy, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cây xanh gãy đổ trên đường có thể khởi kiện Công ty cây xanh để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào mức độ thiệt hại gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe… được quy định trong BLDS năm 2015.
Tuy nhiên, cần lưu ý nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 2, điều 584, BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Theo khoản 1 Điều 156 BLDS 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị quy định: “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”.
Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…).
Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng. Trong trường hợp không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.
Ngoài ra, đối với những cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có mua bảo hiểm về thân thể, sức khỏe, bảo hiểm vật chất cho xe cơ giới cũng có thể xem xét vầ đề nghị cơ quan bảo hiểm bồi thường trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã thỏa thuận.
Luật Tầm nhìn VIETS – Tư vấn luật dân sự